Sự nghiệp đầu đời Phù Đăng

Phù Đăng sinh năm 343, là con của Phù Xưởng (苻敞), một cháu trai đằng xa của vị hoàng đế khai quốc Tiền Tần là Phù Kiện, song khi đó Phù Xưởng vẫn nằm dưới quyền cai trị của Hậu Triệu. Sau khi Phù Kiện lập nước Tiền Tần năm 351, Phù Xưởng trở thành một vị tướng và thái thú một quận. Dưới thời cai trị ác độc và kỳ quái của con trai Phù Kiện, tức Phù Sinh, Phù Xưởng đã bị xử tử song ông ta đã được truy phong thụy hiệu sau khi Phù Sinh bị Phù Kiên lật đổ. Phù Kiên đã rất ấn tượng với tài năng của Phù Đăng, và khi Phù Đăng lớn lên, ông đã được cử làm quan tại Trường An. Tuy nhiên, sau đó Phù Đăng phạm lỗi và bị giáng chức làm quan ở Địch Đạo (狄道, nay thuộc Định Tây, Cam Túc).

Sau khi Tiền Tần bắt đầu sụp đổ vào năm 384 và Phù Kiên bị tướng cũ Diêu Trường sát hại vào năm 385, Phù Đăng trở thành thuộc hạ của tướng Mao Hưng (毛興), Mao Hưng là người muốn kiểm soát tất cả các châu ở phía tây trên danh nghĩa vẫn thuộc Tiền Tần, song quân lính dưới quyền đã trở nên mệt mỏi với các trận đánh và ám sát ông ta vào năm 386, thay thế Mao Hưng là Vệ Bình (衛平), một lão tướng đứng đầu một thị tộc. Tuy nhiên, những binh sĩ này nhanh chóng nhận thấy Vệ Bình đã quá già và họ lại tiếp tục lật đổ Vệ Bình và đưa Phù Đăng làm chủ tướng. Phù Đăng đã trình thư nói về các sự kiện này cho con trai của Phù Kiện là Phù Phi, tức tân hoàng đế, và Phù Phi phong cho Phù Đăng làm thứ sử một châu và ban tước hiệu Nam An vương cho ông.

Sau đó cũng trong năm 386, Phù Phi chết trong khi giao chiến với nhà Tấn, và lãnh thổ do ông ta kiểm soát trực tiếp (nay là Sơn Tây), cũng như các triều thần đều nằm trong tay hoàng đế Mộ Dung Vĩ của Tây Yên. Viên quan Khấu Khiển (寇遣) đã hộ tống hai người con trai của Phù Phi là Bột Hải vương Phù Ý (苻懿) và Tế Bắc vương Phù Sưởng (苻昶) đến chỗ Phù Đăng. Phù Đăng sau khi để tang Phù Phi đã đề xuất Phù Ý trở thành hoàng đế, song các thuộc hạ của Phù Đăng đều muốn ông là người cai trị Tiền Tần (lúc này không lớn hơn lãnh địa của Phù Đăng); Phù Đăng do vậy đã lên ngôi và lập Phù Ý làm thái tử.